Trang

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Tư duy mở


Tư duy mở


Bài của anh Hoàng Hồng Minh, đã đăng trên Tia Sáng với nhan đề dài hơn Phương cách tư duy: Hệ thống tri thức mở .
******
Xã hội Việtnam đã đi được một bước khổng lồ đầu tiên trên thực tiễn: từ phương cách tư duy ý thức hệ chuyển sang các hệ thống tri thức mở. Con đường đã mở ra đó mời gọi xã hội tiếp bước, một cách bình thản, sáng tạo, từ tốn, bao dung, nhưng dứt khoát.
Kể từ khi bước vào quá trình Đổi mới, rồi hội nhập toàn cầu hóa, xã hội Việtnam đã đi được một chặng đường rất quan trọng, dẫu còn bao nhiêu việc phải làm trước mặt. Huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá Việt nam không phải là đảng viên, không có quốc tịch Việtnam, không phải người thuộc một “đất nước anh em” truyền thống, không phải là một nhà huấn luyện phong trào: ông ta là một huấn luyện viên Tây Âu nhà nghề. Cái gì đã xảy ra vậy?
Có quan trọng không?
Cực kì quan trọng!
Xã hội Việtnam đã đi được một bước khổng lồ đầu tiên trên thực tiễn: từ phương cách tư duy ý thức hệ chuyển sang các hệ thống tri thức mở. Con đường đã mở ra đó mời gọi xã hội tiếp bước, một cách bình thản, sáng tạo, từ tốn, bao dung, nhưng dứt khoát.
Đêm dài trung cổ
Tất cả các xã hội trên thế giới đều đã từng được ninh nhừ trong các nồi hầm “đêm dài trung cổ”. Không cần phải giải thích dài dòng, nguyên tắc lớn nhất là mỗi con người của các xã hội đó không cần và không có quyền được có các suy nghĩ riêng về các cư xử tổ chức xã hội: hãy làm theo cái mà bề trên yêu cầu. Bề trên là tập tục, là giáo lý tôn giáo, là giáo chủ. Trong xã hội Á Đông xưa thì vua chúa thường đóng luôn vai giáo chủ này. Chỉ có một hệ ý thức đơn giản đóng vai trò uốn nắn cách nghĩ cho muôn dân.
Chuyển đoạn ý thức hệ
Với các tiến bộ về tinh thần, khoa học, công nghệ, các xã hội dần dà cựa mình. Con người hiểu dần ra giới tự nhiên và tìm cách khai thác, “chinh phục” các sức mạnh của tự nhiên. Nhưng con người chậm hiểu được nhất về chính bản thân mình, về tổ chức xã hội và tinh thần của mình, để rồi hẵng nói đến chuyện cải tiến chúng. Con người thường phải đi qua một giai đoạn đặc biệt như một hình thái khác chưa kết thúc của đêm dài trung cổ, giai đoạn chuyển mình mang tính ý thức hệ: người ta bắt đầu ý thức về hệ thống ý thức chính thống, nghi ngờ mặc cả với nó, nhưng chưa biết làm sao để vượt lên khỏi chính nó. Giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào sức thức tỉnh, khả năng học hỏi, và năng lực tự tái tổ chức tiến hóa của các cộng đồng. Giai đoạn ý thức hệ này thường mang những đặc điểm như sau trong các ý thức cộng đồng.
Một hệ thống cắt nghĩa giữ vai trò độc tôn. Hệ thống này hình thành tùy theo các điều kiện tôn giáo, văn hóa, lịch sử… mà có các hình hài khác nhau ở các cộng đồng khác nhau. Điểm chung là hệ thống này mang tính độc tôn, không dung dưỡng các hệ thống lý giải khác cùng tồn tại.
Đức tin được đặt lên trên sự nghi ngờ. Các tư duy, các phán xét đặt lại các vấn đề đều bị xã hội coi như lạc đàn, phản xây dựng, làm hao mòn đức tin.
Vùng cấm địa. Ngay cả những tư duy chấp nhận hệ thống chính thống cũng bị cấm động chạm đến những vấn đề thuộc về những vùng cấm địa.
Đóng kín. Ngay cả những suy tư theo hệ thống chính thống cũng không được phép mở rộng các quan sát ra những hiện thực “bên ngoài kia”. Ví như hệ thống chính thống cho rằng “đạo Hồi phải là nền tảng của pháp luật» thì không ai có thể đặt vấn đề một nền pháp luật tồn tại bên ngoài đạo Hồi.
Chân lý tuyệt đối. Một phức hợp các chân lý tuyệt đối thường được đăng quang, mọi suy nghĩ và thảo luận chỉ được phép đóng vai trò thuyết trình cho những chân lý ấy.
Phi thời gian. “Tri thức” của hệ thống chủ đạo có tinh thần “một lần cho mãi mãi”, hướng dẫn mọi tìm hiểu, giải thích toàn bộ lịch sử, hôm qua, hôm nay, hôm mai, một cách bất chấp thời gian.
Chống sợ hãi. Loại bỏ một cách mơ hồ sự sợ hãi trước mọi vùng chưa hiểu biết được. Hệ thống này đặt vấn đề bào chữa cho các quan sát của mình về thế giới trước khi tìm hiểu nó. Nó làm như mình có sẵn mọi câu trả lời cho những nỗi lo sợ triền miên của con người, từ như cái chết, sự mờ mịt về tương lai, cho đến sự lo lắng về thế giới rộng mở xung quanh, về những phiêu lưu mới sẽ phải trải qua trên đường đời…
Quyền lực tuyệt đối. Thực chất quyền lợi của nhóm lợi ích thắng thế được trình bày thành lợi ích chung bất khả thương nghị.
Bất chấp mâu thuẫn. Mọi mâu thuẫn, bất kể thuộc lĩnh vực nào, đều được dung nạp và tái giải thích gắng gượng trong hệ thống này. Khi đời sống phức tạp lên, hệ thống này tích nạp mọi điều vô lý và thúc đẩy sự rối loạn suy tư trong xã hội.
Vô chính phủ. Như một hệ quả cực đoan, xã hội hình thành song song trong nó tính vô trật tự, “vô chính phủ” trong nhận thức, ngay cả trong giới cầm chịch.
Tính thủ pháp. Tính chất này ngày càng được đề cao trong thực tế để giải quyết các công việc theo tính vụ việc cần kíp tức thì, do bản thân hệ thống này khó lòng giải quyết được việc lý giải ổn thỏa.
Tuyên truyền lấn át thông tin. Nhiều khi người ta phải thông qua các tuyên truyền để đoán ra các thông tin, đoán ra cái gì đó mới xảy ra. Xã hội đồn đoán phát triển thay thế cho xã hội được thông tin, mê tín thay thế sự phân tích lý tính.
Ngôn ngữ chết cứng là điều thường nhận thấy. Khi hệ thống không đảm đương được tính thuyết phục nữa, nó đành chỉ quan tâm đến mục đích ngắn nhất theo cách khiên cưỡng bất chấp. Phép ngụy biện khi này được lạm dụng dễ dãi.
Khoa học luận trở nên sáo ngữ hàn lâm, và được sử dụng khắp nơi để trang trí cho sự thiếu hiểu biết, mang tính lấn lướt, lạm niệm.
Thái độ thù địch với các thay đổi thường được thể hiện thường trực, thay vì tinh thần sẵn sàng vươn tới tìm hiểu những cơ hội mới. Tính phải đạo và sự vâng lời được đề lên thành chuẩn mực.
Yếu tố lý trí tập thể được đẩy lên thành phản xạ. Xúc cảm được đặt ở vị trí thống trị đối với phân tích lý tính.
Tính nhận thức cắt rời lịch sử được kích hoạt, làm như người ta đang sống và suy nghĩ, hành động trong một cuộc đảo lộn tẩy não vĩ đại về nhận thức. Các yếu tố của giáo lý vừa được đánh bóng, vừa được hiển nhiên hóa, nhàm hóa, phổ thông hóa.
Cuối cùng sự tôn thờ giả-đồng-thuận được đẩy lên thành thiêng liêng.
Hội nhập toàn cầu: các hệ thống hiểu biết mở, phi độc đoán
Xã hội phát triển, cởi mở, hội nhập toàn cầu, tự do hóa các lưu chuyển vốn, công nghệ, nhân lực… đưa con người đến một thực tế mới. Đời sống trở nên năng động, phong phú, đa dạng, phức hợp.
Con người dần từ bỏ ảo ảnh rằng mình luôn luôn đã là người biết hết mọi chuyện, đã nhận rõ tương lai rốt cùng, và luôn luôn thắng cuộc.
Con người học chung sống, học hợp tác, giữa mọi cá nhân và các tổ chức, ở phạm vi trong nước và toàn cầu. Khối tri thức của nhân loại chui vào trong từng máy tính, trong từng điện thoại thông minh của từng con người, và mỗi con người đó lại có thể đang dịch chuyển trong các không gian công việc hay đời sống của nền chính trị-kinh tế-xã hội của toàn cầu len lỏi khắp ngóc ngách mọi nơi.
Con người cùng xã hội của anh ta buộc phải trở nên dũng cảm hơn, và khiêm tốn hơn. Anh ta cùng xã hội phải học cởi mở, học suy nghĩ phi độc đoán, học tích hợp các hệ thống hiểu biết cần thiết, để thành công công việc trong các cộng đồng phức hợp, và để có được hạnh phúc của đời sống cá nhân và hạnh phúc của đời sống cộng đồng.