.
Đột nhiên, tất cả trôi qua trong tâm trí tôi như thác lũ, những quyển sách tôi đã từng đọc, những câu chuyện tôi đã từng nghe : cuộc hải chiến hoàng sa 1988, bình độ 400 mặt trận Vị Xuyên 1984, câu chuyện Andrew kể tôi nghe từ bố anh một nhân chứng sống từ trại cải tạo năm 75, cuộc thiên di ồ ạt của người thuyền tại sao họ lại bỏ đất nước ra đi, những người bạn từ khắp nơi trên thế giới kể cho tôi nghe câu chuyện về Việt Nam, những chuyện mà những người sống trong nó không hề biết, những người Việt " phía bên kia", họ nói với tôi bằng thứ tiếng Việt chuẩn mực đã dừng lại từ thế kỷ trước, với những từ Hán Việt cổ mà hiện nay bên này không còn dùng nữa. Những người Việt kia họ cách xa chúng tôi bằng khoảng cách một đại dương 13000km, họ ngóng về bên này đất tổ giống như chúng tôi nhìn về phía biển xa xăm tìm lại một phần cơ thể mình đã mất. Thế giới đã phẳng, nhưng sao lòng người cứ mãi bị chia cắt. Không phải là tường thành Berlin chia cắt Đông Đức với Tây Đức, ta chia cắt nhau bằng định kiến, bằng khái niệm, bằng vùng miền, bằng chế độ triết lí Mác Lê gì ấy mà người ta còn chẳng hiểu rõ. Tôi biết mỗi khi có tổn thương, ở đâu đó sẽ tồn tại một dòng chảy chữa lành, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm những nguyên bản sách tiếng Anh tiếng Pháp viết về lịch sử Việt Nam, sách đặt về từ amazon, vẫn còn đó những dòng chảy thông tin thách thức kiểm duyệt. Tôi thực lòng tin vào điều đó khi đọc về chuyến đi John Hùng Trần hitchhike xuyên Việt, hay khi nói với những người trẻ da vàng đi học tiếng Việt hoặc khi cầm trên tay cuốn sách Hành trình một dân tộc Philippe Papin , hay khi mở video này lên, ngay từ phút đầu tiên, có một thứ gì đó không thể lí giải được, nó làm tôi trào nước mắt.